Chụp phim Cone beam 3D hỗ trợ cắm ghép Implant

Chụp phim là một bước quan trọng không thể thiếu trong điều trị răng miệng. Bên cạnh các phim X-quang 2D như Panorex, phim Cone Beam 3 chiều sẽ hỗ trợ bác sĩ với những thông tin chính xác hơn, giúp khảo sát được cấu trúc trong vùng hàm mặt, đặc biệt giúp cắm ghép Implant an toàn và đạt được kết quả tối ưu.

1.Hệ thống Cone beam là gì?

CT cone beam là hệ thống X-quang cho hình ảnh không gian 3 chiều giúp bác sĩ biết được chính xác bề rộng và bề sâu của xương. Bên cạnh đó, phim X-quang được chụp bằng hệ thống Cone beam còn cho thấy rõ sự tương quan giữa răng hàm dưới với dây thần kinh, sự tương quan giữa răng hàm trên với xoang hàm, kiểm tra được các sang thương sâu bên trong.

Hệ thống máy x-quang

2.Phim Cone beam hỗ trợ gì trong điều trị?

– Phim Cone beam hỗ trợ tốt nhất cho các tiểu phẫu thuật trong miệng như tiểu phẫu răng khôn vì cho thấy sự tương quang giữa chân răng khôn và dây thần kinh bên dưới, giúp xác định vị trí nhổ răng để không chạm đến các dây thần kinh.

– Phim CT Cone beam hỗ trợ cho việc đặt implant. Bác sĩ có thể thấy bề rộng của xương để tiên lượng có cần ghép xương hay không và chọn implant có đường kính thích hợp nhất với ổ xương. Thông thường nếu không có phim Cone beam thì bác sĩ sẽ dự đoán đường kính implant bằng cách đo độ rộng xương theo phương pháp khám lâm sàng hoặc chọn implant có đường kính nhỏ nhất để an toàn cho việc cấy ghép nhưng như vậy implant sẽ có tuổi thọ không cao. Như vậy, cấy ghép Implant với sự hỗ trợ của phim Cone beam sẽ đem lại kết quả tốt hơn nhiều.

Phim CT Cone Beam cho thấy vùng răng cửa có xương quá mỏng cần ghép xương để đặt implant

– Phim cone beam cho thấy sự tương quan giữa răng hàm trên với xoang hàm trên để đặt implant không rơi vào xoang hàm và sự tương quan giữa răng hàm dưới với dây thần kinh để implant không chèn ép dây thần kinh. Đây là mốc quan trọng để implant không gây tổn thương sau cấy ghép.

– Phim CT Cone beam hỗ trợ trong điều trị chỉnh nha để xác định vị trí các răng mọc ngầm và vị trí cần nhổ răng để chỉnh nha.

3.Hệ thống Cone beam có ưu điểm gì so với các hệ thống x-quang khác?

– Trong khi phim panorex chỉ cho thấy 2 chiều không gian trên và dưới, biết được chiều cao của xương hàm thì phim CT cone beam cho biết bề rộng, bề sâu của xương.

– Phim panorex chỉ thấy hình ảnh những sang thương nhưng phim CT cone beam sẽ cho thấy sang thương xâm lấn đến vị trí nào.

Hình bên trái chỉ cho thấy vùng răng cửa bị nhiễm trùng, phim 3D cho thấy độ xâm lấn của nhiễm trùng

– Đôi khi phim panorex cho các kết quả gây hiểu lầm như răng khôn chèn ép dây thần kinh nhưng thực chất khi xem phim CT cone beam thì dây thần kinh không bị chèn ép.

4.Chụp Cone beam có an toàn không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Hệ thống Cone beam được trang bị tại nha khoa Lan Anh là hệ thống Cone beam thế hệ mới chỉ mất 5 giây chụp phim (so với chụp phim panorex khoảng 12 giây) nên lượng tia phát ra bởi máy chụp CT Cone beam là ít hơn các loại chụp phim khác.

5.Trường hợp nào trong điều trị nha khoa cần chụp Cone beam?

Những trường hợp thông thường có thể khám lâm sàng thì không cần chụp phim. Những trường hợp không quá đặc biệt thì vẫn có thể chụp phim panorex để tiết kiệm chi phí cho khách hàng cũng như dễ dàng hơn trong việc lưu trữ hồ sơ bệnh án cho khách hàng vì phim cone beam có dung lượng rất lớn. Tuy nhiên, với những trường hợp phim Panorex cho kết quả chưa đầy đủ và bác sĩ cần thêm thông tin thì sẽ yêu cầu chụp phim cone beam.

Nếu bỏ qua yếu tố chi phí và dung lượng lưu trữ thì chụp phim cone beam vẫn là phương pháp cho kết quả đầy đủ và tốt nhất.

6.Phim Cone beam có thể chẩn đoán được những bệnh gì?

Chụp phim panorex hoặc Cone Beam đều có thể thấy những bệnh lý và những sang thương nhưng Cone beam giúp cho bác sĩ thấy sang thương xâm lấn đến đâu, độ lớn như thế nào. Đôi khi, hình ảnh phim Panorex có thể bị chập gây hiểu lầm; còn phim cone beam chắc chắn sẽ cho kết quả rõ ràng hơn. Nhờ đó, phim Cone beam có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý chuyên sâu về răng và hàm.

7. Bệnh nhân mang thai có thể chụp phim Cone beam không?

Bệnh nhân mang thai vẫn có thể chụp phim cone beam vì lượng tia phát ra rất ít nhưng cần sự hỗ trợ của áo chì.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »